Gặp gỡ 2 sinh viên Đại Học Quốc Gia tự sản xuất kính thực tế ảo Made in Việt Nam
Cùng chúng tôi gặp gỡ 2 bạn trẻ đến từ Đại Học Công Nghệ - Đại Học Quốc Gia Hà Nội với chiếc kính thực tế ảo Made in Việt Nam với mong muốn đưa thực tế ảo đến với tất cả mọi người.
Sau sự kiện Oculus chính thức giới thiệu bộ sản phẩm Rift hồi E3 vừa qua, thế giới công nghệ đã bắt đầu có một bước chuyển mình tương đối lớn. Việc trải nghiệm game sẽ không còn gò bó trong màn hình máy tính nữa.
Mặc dù kính thực tế ảo đã tương đối phổ biến với những người yêu công nghệ, nhưng với đại bộ phận xã hội, đây vẫn là thứ gì đó có trong tưởng tượng hoặc là món đồ chơi xa xỉ với giá thành quá cao.
Vô số chủng loại với giá thành khác nhau.
Để có thể trải nghiệm được 1 số game VR trên điện thoại, người dùng cần bỏ ra từ 150 tới hơn 400 ngàn đồng để sở hữu cho mình một chiếc kính thực tế ảo. Rẻ nhất trên thị trường hiện nay có lẽ là chiếc kính Google Cardboard do chính Google thiết kế. Mặc dù hoạt động khá hiệu quả nhưng thiết bị này lại có nhược điểm là dễ hỏng sau vài lần sử dụng và không có dây đeo.
Ngược lại những chiếc kính cứng cáp hơn được làm bằng nhựa thì cho độ bền tương đối cao nhưng giá thành lại quá đắt.
Với mong muốn phổ cập công nghệ thực tế ảo, 2 bạn trẻ đến từ trường Đại Học Quốc Gia đã nung nấu ý tưởng thiết kế và sản xuất một chiếc kính thực tế ảo do chính người Việt chế tạo và sản xuất ngay tại Việt Nam nhưng đặc biệt là mức giá không quá đắt đỏ như những sản phẩm đang có trên thị trường và đó là kính Sky-VR, Sản phẩm Made in Việt Nam thứ 2 trong lĩnh vực thực tế ảo sau Horus Glass. Sản phẩm hướng đến mục tiêu đưa công nghệ thực tế ảo đến với tất cả mọi người.
Để tìm hiểu sâu hơn về sản phẩm kính thực tế ảo 100% "Made in Việt Nam" chúng tôi đã đến gặp bạn Vũ Việt Anh một sinh viên năm thứ 3 khoa CNTT Đại Học Quốc Gia Hà Nội, là một trong 2 thành viên chủ lực của nhóm.
Vũ Việt Anh (Phải) và Vũ Đình Hải - 2 Thành viên chủ lực của nhóm sinh viên chế tạo kính thực tế ảo Made in Việt Nam.
Sau khi trao đổi với Vũ Việt Anh, chúng tôi được biết, chiếc kính này được nhóm bạn thiết kế dựa theo nguyên tắc hoạt động chung của kính thực tế ảo đó là đánh lừa thị giác thông qua việc sử dụng 2 thấu kính hội tụ và nó gần như tương đồng với kính Google Cardboard cơ bản.
Tuy nhiên, sau nhiều tháng nghiên cứu và tìm hiểu nhóm đã đưa ra được một thiết kế ưu việt hơn, dễ sử dụng hơn nhưng giá thành lại không tăng quá nhiều.
Hiện tại, một chiếc kính Sky VR được bán với giá khá thấp, bản không có cảm biến nam châm là 199 ngàn đồng, và bản có nam châm là 249 ngàn đồng, mức giá này vẫn khá cao là do việc sản xuất đại trà còn ít khiến giá thành bị đội lên nhiều. Nếu sản xuất hàng loạt với số lượng lớn, chắc chắn giá thành sản phẩm sẽ còn giảm nữa.
Mở hộp Sky-VR
Sản phẩm được bọc 1 lớp nilon mỏng đơn giản.
Phụ kiện đi kèm bao gồm dây đeo, sách hướng dẫn và 3 khung bìa dành cho các cỡ điện thoại khác nhau.
sách hướng dẫn được làm khá thô sơ và in đen trắng trên giấy A4 nhưng mang lại cảm giác rất sinh viên.
Góc cạnh được thiết kế rất tỉ mỉ.
Nam châm sử dụng thay nút click khi chơi game. Tuy nhiên nam châm của Sky VR có lực hút hơi lớn nên khá khó kéo.
Về thiết kế, Sky-VR sử dụng bìa Fomex để thay cho bìa Các tông trên Google Cardboard nên độ bền được cải thiện hơn rất nhiều.
2 thấu kính được sử dụng trong Sky VR cũng giống Google Cardboard, là thấu kính nhựa cỡ nhỏ và gắn cố định trên thân kính (không điều chỉnh được tiêu cự). Tuy được giữ cố định nhưng qua quá trình thử nghiệm với nhiều khách hàng khác nhau, kính phù hợp với hầu hết mọi người.
Thay vì dùng khóa dán để giữ máy, các bạn trẻ đã thiết kế hộc giữ điện thoại thành hẳn một hộp kín úp vào thân kính, cách làm này sẽ chống trượt máy theo tất cả các phương.
Về phần dây đeo của kính, Việt Anh cho biết, nhóm đã phải mất khá nhiều thời mới nghĩ ra cách để móc dây đeo lên kính sao cho dễ sản xuất, dễ tháo lắp mà vẫn chắc chắn không thể tuột ra.
Khi quay dọc chiếc móc này các bạn sẽ tháo được dây đeo ra.
Cuối cùng thì nhóm cũng đã tìm ra giải pháp bằng cách sử dụng một cái móc như trên hình kết hợp rạch 1 khe hẹp trên thân kính với chiều rộng đủ để cái kẹp dây chui lọt khi xoay dọc, mà khi xoay ngang ra nó sẽ bị mắc lại giúp cho dây không bao giờ tuột ra.
Đôi lời kết
Có thể nói những năm gần đây là thời của công nghệ Việt, chỉ trong khoảng thời gian ngắn chúng ta đã liên tục xuất hiện những người trẻ tuổi có đam mê công nghệ vô cùng lớn, hàng loạt sản phẩm đúng nghĩa Made in Việt Nam đã ra đời.
Thực tế ảo được đánh giá là sẽ bùng nổ rất mạnh trong năm 2016 tới và hàng loạt sản phẩm của người Việt cũng sẽ đứng trước cơ hội lớn để vươn tầm ra quốc tế. Hãy đón chờ ngày mà những Horus Glass hay Sky VR xâm chiếm thị trường ngoại.
Bạn đọc có nhu cầu có thể tìm hiểu thêm về sản phẩm SkyVR thông qua trang chủ hoặc Fanpage chính thức của nhóm bạn theo địa chỉ:
+ Fanpage: fb.com/vnskyvr
+ Website: skyvr.vn