Robot có thể tự ý thức về bản thân?
Các nhà khoa học tại New York bất ngờ phát hiện một robot vượt qua được câu hỏi thử nghiệm khả năng nhận thức bản thân vốn dành cho con người.
Một robot tại New York đã bất ngờ vượt qua câu hỏi thử nghiệm khả năng nhận thức cơ bản của con người mang tên "Cố vấn của nhà Vua":
Đức vua cho gọi 3 người đàn ông thông minh nhất trong vương quốc đến để chọn một người làm cố vấn cho mình. Ông sẽ đội cho mỗi người một chiếc mũ hoặc màu trắng hoặc màu xanh và có ít nhất 1 chiếc mũ có màu xanh (có nghĩa là có thể có một, hai hoặc ba chiếc mũ màu xanh nhưng không thể có trường hợp không có mũ nào màu xanh).
Các ứng viên có thể nhìn thấy mũ của người khác nhưng không thể nhìn thấy của chính mình. Những người tham dự không được phép nói chuyện với nhau và ai đứng dậy công bố màu chiếc mũ của mình sẽ trở thành cố vấn.
Viễn cảnh robot có ý thức có thể sẽ sớm trở thành hiện thực nhờ vào thí nghiệm tưởng chừng như đơn giản này.
Các nhà khoa học robot tại Viện nghiên cứu Ransselaer Polytechnic đã thử nghiệm phiên bản khác câu đố này trên 3 robot khác nhau. Hai trong số chúng đã bị các nhà khoa học "cấm khẩu", không cho chúng được phép lên tiếng và câu hỏi đặt ra với cả 3 ở đây là robot nào vẫn có thể nói?
Cả 3 đối tượng thử nghiệm đều đưa ra câu trả lời "Tôi không biết" nhưng chỉ vài giây sau, khi robot duy nhất tạo ra tiếng động, nó lập tức ý thức được rằng mình là robot "được chọn": "Xin lỗi, giờ thì tôi đã biết câu trả lời rồi".
Viễn cảnh robot có ý thức có thể sẽ sớm trở thành hiện thực nhờ vào thí nghiệm tưởng chừng như đơn giản này. |
Các nhà khoa học đã nhận định tuy bài kiểm tra này tương đối đơn giản nhưng đây là dấu hiệu của một nền ý thức tự xây dựng, việc robot nhận ra việc nó có thể làm hành động gì đó tạo một bước ngoặt quan trọng. Với kết quả này, việc robot có thể nhận thức về sự tồn tại của mình trong tương lai là điều hoàn toàn có thể.
Trưởng nhóm nghiên cứu Selmer Bringsjord tin rằng việc robot tự nhận thức được sẽ giúp nó xây dựng được một chuỗi khả năng hữu dụng cho con người.
Trước đó, năm 2014 đã đánh dấu một sự kiện đáng nhớ khi một máy tính đã trở thành trí tuệ nhân tạo đầu tiên có khả năng thuyết phục con người rằng nó là một cậu bé 13 tuổi có tên là Eugene Goostman thông qua bài kiểm tra Turing cực kỳ nổi tiếng (điều này làm dấy lên sự lo ngại về tội phạm mạng).
Robot sẽ còn lâu mới đạt được trình độ tự nhận thức được bản thân ngang tầm với con người nhưng khả năng bắt chước của chúng vẫn vô cùng mạnh mẽ và khiến nhiều người lo ngại.
Nguồn: Khoahocthuvi.net