Phương pháp dùng virus lây qua đường tình dục để chữa ung thư da đã được Hoa Kỳ phê chuẩn

Phương thuốc đặc trị ung thư da này được điều chế từ Herpes, chủng virus gây ra những cơn đau nhức nhối hoặc những vết lở loét nằm trên miệng hoặc cơ quan "nhạy cảm".

Phương pháp dùng virus lây qua đường tình dục để chữa ung thư da đã được Hoa Kỳ phê chuẩn

Cục quản lý Thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê chuẩn loại thuốc của công ty Dược phẩm công nghệ sinh học Amgen Inc. (Thụy Sỹ) điều trị cho bệnh nhân mắc khối u ác tính của bệnh ung thư da mà không thể phẫu thuật, điều đặc biệt là phương thuốc này được điều chế từ Herpes, chủng virus gây ra những cơn đau nhức nhối hoặc những vết lở loét nằm trên miệng hoặc cơ quan "nhạy cảm".

 

 

Loại thuốc này có tên là Imlygic, dùng dạng biến đổi gen của chủng virus Herpes tiêm trực tiếp vào mô khối u nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư từ bên trong. Loại virus biến đổi gen này cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch. Nghiên cứu cho thấy, khoảng 16% bệnh nhân được tiêm thuốc này khối u đã nhỏ lại, trong khi đó nếu dùng thuốc điều trị ung thư thông thường thì tỷ lệ chỉ đạt 2%. Tuy nhiên Imlygic không có tác dụng trên khối u ác tính đã lan đến não, phổi hoặc cơ quan nội tạng khác. Bệnh nhân cần được điều trị bằng thuốc ít nhất là 6 tháng, hoặc cho đến khi nào không còn khối u nữa.

Công dụng không ngờ này của chủng virus Herpes được phát hiện bởi các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu ung thư London (ICR) tại London, họ đã "làm lại cuộc đời" cho Herpes khi chuyển hướng tấn công của chủng virus này. Thay vì tấn công vào các tế bào bình thường trên cơ thể người, Talimogene Laherparepvec (hay T-VEC), loại virus được biến đổi gen, sẽ tấn công vào các tế bào ung thư da (malignant melanoma). Đây là một kết quả thí nghiệm được công bố vào tháng 5/2015.

Mặc dù vậy, tác dụng kháng ung thư của virus Herpes đã được các bác sỹ tại bệnh viện Royal Marsden (London) phát hiện từ năm 2010, khi họ tiến hành thử nghiệm phương pháp này trên 17 bệnh nhân. Các bác sỹ tại đây đã sử dụng chung virus Herpes kết hợp các phương pháp điều trị tiêu chuẩn hiện nay là hoá trị và chiếu xạ để tiêu diệt các khối u trong người bệnh nhân. Kết quả 93% không còn dấu hiệu của bệnh sau khi phẫu thuật cắt bỏ khối u. Hơn 2 năm sau, 82% (13 bệnh nhân) đã kháng cự được với bệnh và chỉ 2 người trong số đó tái phát bệnh.

 

 

Cơ chế hoạt động của phương pháp này là bệnh nhân ung thư sẽ được tiêm vi rút Herpes liều cao. Virus này sẽ xâm nhập và tiêu diệt từ bên trong các tế bào ung thư, cũng như thúc đẩy hoạt động hệ miễn dịch của các bệnh nhân. Sau đó, virus Herpes cũng đã được thử nghiệm trong điều trị ung thư da và kết quả lúc này được coi là thành công ngoài mong đợi. Đây là loại virus không sinh sôi nên nó chỉ phát triển bên trong các tế bào ung thư nhưng không ảnh hưởng đến các tế bào khoẻ mạnh khác.

Giáo sư Kevin Harrington thuộc Viện nghiên cứu ung thư London, trưởng nhóm nghiên cứu lúc đó, cho biết các phương pháp điều trị hiện nay chỉ có hiệu quả đối với những bệnh nhân ung thư được phát hiện sớm tuy nhiên, rất nhiều bệnh nhân được chẩn đoán khi bệnh đã phát triển khá nặng. Các bác sỹ cũng cho rằng, sử dụng loại virus này là một công ba tác dụng: vừa giúp tiêu diệt các tế bào ung thư, vừa giúp sản sinh loại protein hoạt hoá hệ miễn dịch và cũng vừa tạo ra loại protein dẫn dắt các tế bào miễn dịch.

Những ngày đầu thực hiện nhiên cứu, các thành viên của nhóm luôn có những lo ngại về tính an toàn của phương pháp điều trị này, nhưng các thành viên nhóm nghiên cứu hi vọng một ngày nào đó nghiên cứu của họ sẽ được sử dụng để điều trị các loại ung thư khác. Về sau, bác sỹ Harrington kết luận với phương pháp hoá trị và chiếu xạ khoảng 35 đến 55% số bệnh nhân vẫn tái phát bệnh trong vòng 2 năm, vì vậy phương pháp mới vẫn cho kết quả cao hơn.

 

 Giáo sư Kevin Harrington, người khai phá ra công dụng khác lạ của virus Herpes.

Giáo sư Kevin Harrington, người khai phá ra công dụng khác lạ của virus Herpes.

 

Đối với kết quả nghiên cứu hồi tháng 5 vừa rồi, các nhà nghiên cứu đã tiến hành thay đổi 2 gen trong virus Herpes, ICP34.5 và ICP47, khiến cho chúng không thể nào sinh sản trở lại bên trong các tế bào khoẻ mạnh, nhưng vẫn có thể ra đời bên trong các tế bào ung thư, vốn đã có lỗi trong cơ chế tự phòng vệ trước Herpes. Do vậy, T-VEC có thể "thoải mái" sinh sản trong các tế bào ung thư cho đến khi chúng tiêu thụ hết sinh chất của các tế bào này và bùng phát ra ngoài, tiêu diệt tế bào quái ác.

Bên cạnh đó, T-VEC còn sản sinh ra một loại phân tử có tên GM-CSF bên trong các tế bào ung thư. Phân tử này sẽ "chỉ điểm" cho hệ miễn dịch "đánh có chọn lọc" vào các tế bào trên, giúp làm suy giảm các khối u. Phối hợp với 64 trung tâm nghiên cứu khác trên toàn cầu, ICR đã tiến hành thử nghiệm trên 436 bệnh nhân. Họ sẽ được chọn giữa T-VEC và một liệu pháp điều trị cải thiện hệ miễn dịch (immunotherapy) khác. Bạn lưu ý T-VEC thực ra cũng là một liệu pháp cải thiện hệ miễn dịch dựa vào virus.

Kết quả cho thấy có 16,3% những người được nhận T-VEC tiếp tục thể hiện tín hiệu kháng ung thư kéo dài hơn 6 tháng. Trong khi các phương pháp khác, con số này chỉ là 2,1%. Cá biệt một số bệnh nhận nhận T-VEC duy trì tín hiệu kháng lên đến tận 3 năm, một mức được các nhà ung thư học xem là chỉ dấu hoàn thiện cho việc điều trị. Việc FDA chấp thuận sử dụng liệu pháp "dĩ độc trị độc" đã mở ra một hướng đi mới trong việc ngăn chặn những căn bệnh ung thư chết người.

Tham khảo Iflscience, Fusion, Nature, MedicalNewsToday, TheGuardian
Nguồn: GenK

 
 

Tin mới hơn

Tin cũ hơn