Phát triển thành công cảm biến sinh học phát hiện ô nhiễm trong nháy mắt
"Tôi tin rằng cảm biến sinh học của chúng tôi sẽ tạo ra một cuộc cách mạng đối với cách đo chất lượng nước sinh hoạt", ông Erik Gustav Skands, cựu sinh viên trường Đại học Kỹ thuật Đan Mạch và là CEO của SBT Aqua cho biết.
Hiện tại, nếu muốn kiểm tra xem nguồn nước đang sử dụng có tồn tại vi khuẩn độc hại hay không, bạn phải lấy mẫu nước sau đó mang nó đến phòng thí nghiệm và chờ phân tích trong vài ngày. Mặc dù vậy, trong tương lai, công việc đánh giá mức độ ô nhiễm của một nguồn nước có thể được thực hiện trong nháy mắt nhờ phát minh của một nhóm sinh viên tại trường đại học Kỹ thuật Đan Mạch - một loại cảm biến sinh học có thể phát hiện vi khuẩn trong nước gần như ngay lập tức.
Với sự hợp tác của công ty startup về công nghệ, SBT Aqua, cảm biến sinh học kiểu mới này sử dụng một kỹ thuật gọi là đo dòng tế bào trở kháng, nghĩa chất lỏng được giám sát thông qua các điện cực để mang tín hiệu điện áp đa tần số, và khi vi khuẩn và các hạt khác chảy qua những điện cực đó, chúng gây ra sự biến đổi trở kháng và được phát hiện bởi các cảm biến.
Sự thay đổi trở kháng gây ra bởi vi khuẩn không giống những hạt khác trong nước nên các thành viên của SBT Aqua khẳng định sẽ không có chuyện nhầm lẫn giữa 2 yếu tố này trong quá trình kiểm tra nước. Trên thực tế, những thay đổi trở kháng nói trên thậm chí còn khác nhau giữa các loại vi khuẩn khác nhau, chính vì thế, SBT tuyên bố công nghệ của họ còn có thể phát hiện tất cả các loại vi khuẩn có trong nước.
Ngoài việc được dùng như một thiết bị cầm tay để kiểm tra nước ô nhiễm, cảm biến mới còn có thể được lắp ở những trạm kiểm tra nước khác nhau, chạy dọc theo một dòng nước nào đó và tất cả đều sẽ được kết nối với nhau. Nếu một trong những trạm phát hiện bất kỳ bất thường nào trong nước, nó ngay lập tức sẽ phát đi một tín hiệu cho những người chịu trách nhiệm quản lý.
"Tôi tin rằng cảm biến sinh học của chúng tôi sẽ tạo ra một cuộc cách mạng đối với cách đo chất lượng nước sinh hoạt", ông Erik Gustav Skands, cựu sinh viên trường Đại học Kỹ thuật Đan Mạch và là CEO của SBT Aqua cho biết. Đội ngũ phát triển hy vọng sẽ mang nó ra thị trường vào năm 2016.
Tham khảo ScienceAlert
Nguồn: GenK