Phải mất bao lâu chúng ta mới đến thăm được Trái Đất thứ hai?
Với trình độ khoa học kỹ thuật ngày nay, câu trả lời là cỡ... 26 triệu năm.
Cách đây vài giờ, NASA đã công bộ việc kính thiên văn vũ trụ Kepler phát hiện được một hành tinh mới mà có các tính chất rất giống với Trái đất của chúng ta và đặt tên nó là Kepler-452. Hành tinh này thuộc một “Hệ Mặt Trời” nằm trong chòm sao Cygnus của dải thiên hà Milky Wat, cách Trái đất 1400 năm ánh sáng.
Trái Đất và người "họ hàng xa" Kepler-452 của mình
Ngay lập tức, những người yêu khoa học trên thế giới đã chào đón tin này một cách rất phấn khởi vì đây là một phát hiện mang tính đột phá trong sứ mệnh tìm kiếm sự sống ngoài vũ trụ. Thậm chí, nhiều người còn bắt đầu nghĩ đến chuyện phóng những con tàu vũ trụ đến hành tinh này để khám phá. Nhưng thực sự có đơn giản vậy không?
Hãy lưu ý một điều rằng "năm ánh sáng" là khoảng cách chứ không phải thời gian.
Tàu vũ trụ nhanh nhất hiện nay - New Horizons.
Tàu vũ trụ nhanh nhất hiện nay của loài người chính là New Horizons có vai trò quan trọng trong sứ mệnh Sao Diêm Vương mới đây của NASA. Vận tốc của New Horizon đạt mức 15,73 km/s tức là tương đương với con số 496.061.280 km/năm.
Với khoảng cách giữa hai Trái Đất là 1400 năm ánh sáng và một năm ánh sáng tương đương với khoảng cách 9.460.730.472.580,8 km, chúng ta có thể làm một phép tính để tìm ra mất bao lâu con người mới có thể vươn tới hành tinh này: (9.460.730.472.580,8/496.061.280) x 1.400 =26.700.375,9326 năm
Tới đây chắc chắn chúng ta phải tỉnh táo lại khi khoảng thời gian hơn 26 triệu năm là một con số không tưởng đối với bất kỳ ước mơ nào. Hy vọng rằng trong tương lai tốc độ của tàu vũ trụ sẽ được cải thiện để một ngày nào đó, việc đặt chân lên Trái Đất thứ 2 này không còn là điều viển vông.
Nguồn: GenK