Muốn tạo ra kim cương chỉ trong 10 tuần? Hãy dùng lò vi sóng
Những viên kim cương tiếp theo mà bạn mua có thể được làm ra trong phòng thí nghiệm. Chúng giống thật đến mức chuyên gia cũng không thể phân biệt được nhưng rẻ hơn rất nhiều.
Viên kim cương nhân tạo 2.62 carat mà Calvin Mills mua cho vợ chưa cưới vào tháng 11 năm ngoái cực kỳ lung linh. Viên kim cương hình quả lê, màu vàng hoàng yến, có giá 22.000 USD (xấp xỉ 500 triệu đồng), được tạo ra trong phòng thí nghiệm. Mills hoàn toàn có thể bỏ ra thêm hàng chục ngàn USD để mua một viên kim cương được đào lên từ lòng đất có kích thước tương đương nhưng anh chọn kim cương nhân tạo. “Tôi nhận được nhiều kim cương hơn với số tiền ít hơn”, CEO của hãng CMC Technologies Consulting, cho biết.
Hiện tại kim cương nhân tạo chỉ chiếm một phần nhỏ trong thị trường kim cương toàn cầu trị giá 80 tỷ USD. Nhu cầu kim cương ngày càng tăng trong khi người mua muốn tìm kiếm loại kim cương rẻ hơn và không vi phạm vấn đề đạo đức. Các nhóm nhân quyền, với sự hỗ trợ của Hollywood, đang truyền bá thuật ngữ “kim cương máu” để kêu gọi sự chú ý tới việc khai thác kim cương, nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc xung đột đẫm máu ở châu Phi.
Khác với các loại kim cương giả như cubic zirconia, loại kim cương nhân tạo mới được phát triển trong phòng thí nghiệm với các đặc tính vật lý và hóa học như kim cương thật. Chúng được làm từ một hạt carbon đặt trong lò vi sóng với khí mêtan hoặc một loại khí chứa carbon khác. Nhiệt độ cực cao trong buồng sẽ tạo ra một ánh sáng plasma hình cầu. Trong điều kiện đó, các hạt carbon sẽ trở thành những viên kim cương. Quá trình tạo ra kim cương bằng cách này có thể kéo dài 10 tuần. Các viên kim cương nhân tạo tạo ra theo cách này hoàn hảo tới mức chỉ máy móc mới phân biệt được nó là kim cương nhân tạo.
Các hãng bán lẻ như Wal-Mart Stores và Helzberg Diamonds của nhà đầu tư Warren Buffett đã bắt đầu đặt hàng loại kim cương nhân tạo này. Trong một khảo sát được thực hiện bởi Gemdax, chỉ 45% người tiêu dùng Bắc Mỹ độ tuổi từ 18 tới 35 cho biết họ thích những viên kim cương tự nhiên.
Các hãng chiếm lĩnh thị trường đá quý tự nhiên không coi kim cương nhân tạo là một mối đe dọa bởi nó chỉ là một phần nhỏ của thị trường. Năm ngoái, sản lượng kim cương nhân tạo chỉ đạt 360.000 carat. Trong khi đó, sản lượng đá quý khai thác từ thiên nhiên trong năm 2013 lên tới 146 triệu carat. Sản lượng kim cương nhân tạo có thể tăng lên 2 triệu carat trong năm 2018 và 20 triệu carat trong năm 2026.
Hãng chuyên khai thác đá quý De Beers cho biết nghiên cứu của họ chỉ ra rằng người tiêu dùng không đánh đồng đá quý nhân tạo với đá quý tự nhiên. Hơn nữa, theo họ, những viên đá quý nhân tạo chỉ có thể cạnh tranh với những trang sức đơn thuần. “Giá trị của một viên kim cương gắn bó chặt chẽ với các câu chuyện gây cảm hứng và độc đáo đằng sau mỗi viên từ hoàn cảnh nó được tìm ra tới lịch sử của nó và những sự kiện ý nghĩa gắn với nó. Đây là điều mà kim cương nhân tạo không thể có được”, De Beers cho biết. Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế cũng đã ra phán quyết cho rằng đá quý nhân tạo cần được gắn với các tên gọi như tổng hợp, phát triển trong phòng thí nghiệm, hoặc tạo ra trong phòng thí nghiệp không phải thật…
Đá quý nhân tạo chiếm khoảng 5% doanh số đá quý của cửa hàng đồ trang sức Gem Lab tại New York. Một viên kim cương nhân tạo 1 carat được Gem Lab bán với giá 6.000 USD (tương đương 134 triệu đồng), mức giá cho một viên kim cương tự nhiên cùng kích thước là 10.000 USD (224 triệu đồng). Hãng IIA Technologies của Singapore, hãng sản xuất kim cương nhân tạo lớn nhất, bán một viên kim cương nhân tạo 3.04 carat với giá 23.000 USD (tương đương 516 triệu đồng), một viên kim cương tự nhiên với phẩm chất và kích thước tương tự có giá 40.000 USD (xấp xỉ 900 triệu đồng).
“Chúng tôi đang tạo ra một ngành công nghiệp mới”, Vishal Mehta, CEO của IIA, cho biết. Tuy nhiên, ông Mehta không tiết lộ chi phí sản xuất một viên kim cương trong phòng thí nghiệm.
Danny Decker, một nhân viên marketing, có kế hoạch cầu hôn bạn gái của anh bằng một chiếc nhẫn vàng trắng gắn viên kim cương nhân tạo 1 carat. Anh mua nó với giá 7.000 USD (157 triệu đồng) và gọi nó là “nhẫn đính hôn không xung đột”. “Tôi chọn kim cương nhân tạo vì nó tốt với môi trường”, Decker chia sẻ.
Nguồn: GenK