Cứ 10 năm, chỉ số IQ lại tăng... 3 điểm
Chỉ số IQ của con người có thể tăng tới 3 điểm cứ sau 10 năm sinh sống.
Chỉ số thông minh, hay IQ (viết tắt của Intelligence quotient trong tiếng Anh), là một khái niệm được nhà khoa học người Anh Francis Galton đưa ra trong cuốn sách Hereditary Genius xuất bản vào cuối thế kỷ 19. Sau đó, nó được học trò của ông là J.Cattell và nhà tâm lý học người Pháp Alfred Binet phát triển bằng việc thảo ra những bài trắc nghiệm để kiểm tra năng lực trí tuệ của trẻ khi đi học.
Chỉ số thông minh IQ bình quân của con người hiện nay là 100, trong đó 2/3 dân số thế giới có chỉ số IQ rơi vào khoảng 85 đến 115. Ngoài ra, những người có chỉ số IQ cao hơn 130 được coi là cực kỳ thông minh và có đủ tố chất để trở thành thiên tài.
Hai thiên tài Mozart và Einstein đều có IQ cao.
Các nhà khoa học của viện nghiên cứu King's College trực thuộc Đại học hoàng gia London đã nghiên cứu kết quả đo chỉ số IQ của hơn 200 nghìn người ở 48 quốc gia trong 64 năm qua với mục đích thử nghiệm cái gọi là hiệu ứng Flynn, tức sự gia tăng dài hạn chỉ số IQ được xác định vào năm 1982 bởi James Flynn.
Kết quả cho thấy: chỉ số IQ bình quân của số người này đã tăng thêm 20 điểm kể từ năm 1950. Tức là, IQ bình quân của con người cứ 10 năm lại tăng ba điểm, nhưng biên độ tăng của các khu vư thì khác nhau. Người dân các nước đang phát triển có mức tăng IQ nhanh nhất, thí dụ Trung Quốc và Ấn Độ, là những nơi trong các thập niên gần đây có sự cải thiện rõ rệt về chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Mức tăng IQ của người Mỹ tuy thấp hơn nhưng tăng liên tục và ổn định hơn.
Giáo sư Robin Morris, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết hiện nay có rất nhiều lý thuyết nói về sự tăng chỉ số IQ của loài người, nhưng các lý thuyết này đều chưa được khoa học chứng minh. Đầu tiên là lý thuyết cho rằng những người khi còn trẻ được ăn uống tương đối tốt, sức khỏe tốt, khi trưởng thành sẽ có IQ cao. Ngoài ra, một số lý thuyết thì cho rằng phương pháp giáo dục và học tập cũng ảnh hưởng tới IQ.
Giáo sư Robin Morris, người khẳng định chỉ số IQ sẽ tăng 3 điểm sau 10 năm.
Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa nhất trí về ảnh hưởng của giáo dục đối với IQ. Giáo sư Morris giải thích điểm bất đồng ở đây là đã xuất hiện nghiên cứu cho thấy tại một số nơi tuy tình trạng giáo dục chưa được cải thiện nhưng IQ bình quân của người dân nơi đó lại tăng lên, nhưng cũng có một số nghiên cứu cho thấy những người hồi trẻ không được hưởng sự giáo dục tốt thường có IQ thấp.
Cũng có lý thuyết cho rằng sở dĩ loài người ngày một giải quyết tốt hơn các vấn đề, chủ yếu là do họ thường xuyên gặp phải các vấn đề đó, vì vậy không có nghĩa là IQ của họ tăng lên. Ngoài ra, các yếu tố như môi trường và hoạt động thực tiễn đều có ảnh hưởng tới IQ. Nhưng cá nhân Morris cho rằng mặc dù các lý thuyết kể trên đều chưa phải là căn cứ chính nói lên sự tăng IQ của loài người, song việc ăn uống cân đối và sức khỏe tốt vẫn là yếu tố chủ yếu ảnh hưởng tới IQ, nhất là tại các nước có thu nhập thấp.
Tham khảo BBC
Nguồn: GenK