Chuyển động 24h: Người dùng vỡ mộng mua iPhone giá rẻ, Táo Ngọt hay Táo Đắng?
Nhờ lượng máy tiêu thụ tốt, iPhone tại Việt Nam đã liên tục bị trà trộn, nhào nặn về chất lượng sản phẩm.
Có thể khẳng định, trong vài năm trở lại đây, Apple iPhone đã trở thành một trong những thiết bị cầm tay bán chạy nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Từ lâu, câu chuyện iPhone bị làm giả, làm nhái đã không phải điều gì quá xa lạ với người dùng Việt.
Nhờ lượng máy tiêu thụ tốt, iPhone tại Việt Nam đã liên tục bị trà trộn, nhào nặn về chất lượng sản phẩm. Trước thực trạng đáng quan ngại này, kênh VTV24, Chuyển động 24h đã thực hiện phóng sự nhằm làm rõ những uẩn khúc trong việc kinh doanh iPhone tại nước ta.
Chuyển động 24h: Táo Ngọt hay Táo Đắng
Trong đó, vấn đề gây nổi cộm nhất hiện nay được ê kíp Chuyển động 24h nêu rõ chính là việc bán tràn lan các sản phẩm iPhone không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhưng lại được các cửa hàng bán ra với danh nghĩa hàng chính hãng.
Đơn cử như trường hợp của một người dùng mua iPhone 5, giá rẻ hơn một nửa so với các đại lý chính hãng của Apple, nhưng vẫn được khẳng định là chính hãng Apple. Tuy nhiên, khi mua máy về, chiếc iPhone này lại không thể sạc pin, IMEI được ghi trên khe SIM cũng không trùng khớp với máy.
"Thời điểm khi tôi mua là 6,5 triệu đồng, và đi kèm những lời cam kết bán chính hãng từ cửa hàng. Vì vậy mà tôi nghĩ là cùng với mức giá rẻ vậy, và cùng hàng chính hãng vậy mà mình không chọn cái sản phẩm này", người dùng cho biết khi vụ việc đã vỡ lở.
Cho tới khi Chuyển động 24h vào cuộc, những câu trả lời được nhân viên cũng như đại diện của cửa hàng kia đưa ra lại rất quanh co và không hợp lý. Trả lời cho câu hỏi về việc máy mới mua đã không thể khởi động, nhân viên của cửa hàng này cho rằng "chắc để trong kho lâu ngày nên máy bị cạn pin".
Phản hồi khôi hài từ cửa hàng
Khôi hài hơn, trả lời về vấn đề dãy số IMEI trên khe SIM và máy không trùng nhau, thậm chí là không thể kiểm tra được IMEI trên hệ thống trực tuyến của Apple, nhân viên của cửa hàng giải thích "là do khách đi mua vào ngày nghỉ, Apple cũng nghỉ, không thể tra cứu được".
Liên quan tới một vụ việc khác, khi người dùng Việt mua iPhone, nhưng lại không nhận được hóa đơn giá trị gia tăng ghi đúng sản phẩm mua hàng, mà là điện thoại Samsung. Theo Chuyển Động 24h, đây thực chất là một tờ hóa đơn bất thường của 2 cửa hàng nêu trên. Biên tập viên Hạnh Phúc nêu rõ:
"Theo luật thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp khi bán ra loại sản phẩm nào, thì trên hóa đơn giá trị gia tăng phải ghi đúng loại sản phẩm đó. Còn việc bán ra một sản phẩm ở đây là iPhone mà ghi hóa đơn lại bằng một sản phẩm khác, cho thấy, có thể cửa hàng/doanh nghiệp không có kê khai đầu vào hợp pháp nên không thể có hóa đơn đầu ra cho sản phẩm đó. Có nghĩa là sản phẩm đó đã được nhập về không chính thống, không có nguồn gốc, không hợp pháp và nhiều khả năng là nhập lậu."
Đại diện VTV và 2 chủ cửa hàng nêu trên
Trái với những trả lời phỏng vấn ban đầu từ cả 2 cửa hàng, việc bán iPhone nhưng đưa hóa đơn điện thoại Samsung là do những thiếu sót trong khâu hoàn thiện, thanh toán chứng từ. Lần này, đại diện cửa hàng cho biết, đây là do lỗi của nhân viên mới, chiếc iPhone kia là máy cũ, đã qua sử dụng do người dùng kí gửi, và họ đã đuổi việc nhân viên này.
Chỉ qua 2 câu chuyện ở trên, có thể thấy, tình trạng kinh doanh, buôn bán iPhone tràn lan tại Việt Nam đã đến lúc báo động, đặc biệt là những chiếc iPhone không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Thông qua phóng sự lần này của Chuyển động 24h, hơn hết, người dùng cần cảnh giác cao độ, cũng như tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết khi mua các sản phẩm viễn thông hiện nay, đặc biệt là với iPhone.
Nguồn: GenK