Robot trợ giúp con người vẽ tranh từ xa bằng... mắt

Nhờ sự trợ giúp đắc lực của robot, chỉ với những cú liếc và chớp mắt thật nhẹ, bạn đã hoàn toàn có thể tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh.

Robot trợ giúp con người vẽ tranh từ xa bằng... mắt

Nghe có vẻ khó tin nhưng hoàn toàn là sự thật. Đây là thành quả nghiên cứu trong suốt nhiều năm của Giáo sư Aldo Faisal cùng đội ngũ thuộc khoa Máy tính và Kỹ thuật sinh học của trường cao đẳng Imperial College London. Cụ thể, người dùng sẽ có khả năng điều khiển cánh tay của robot để vẽ tranh theo ý thích bằng… ánh mắt, chỉ với những cú liếc và chớp mắt thật nhẹ. Rất có thể đây sẽ trở thành nền tảng của tương lai nhân loại khi robot có khả năng đa nhiệm tối ưu.

 

 Tác phẩm nghệ thuật đáng tự hào của cánh tay robot.

Tác phẩm nghệ thuật đáng tự hào của cánh tay robot.

 

Được trang bị công nghệ theo dõi chuyển động của mắt người điều khiển, loại robot này có khả năng tiếp nhận và thấu hiểu một số câu lệnh cơ bản, từ đơn giản như lau bảng vẽ cho đến phức tạp như chọn lựa và pha trộn màu. Nếu muốn vẽ một đường thẳng, người điều khiển cần nhìn tập trung vào một điểm bất kỳ, sau đó đưa mắt đi theo một đường thẳng và kết thúc tại một điểm mút cuối. Robot sẽ hiểu ý và làm theo đúng các chuyển động của mắt. Ngoài ra, nháy mắt 3 lần sẽ kích hoạt robot vào chế độ chọn màu.

Lúc này, cánh tay robot sẽ đưa chổi theo nhiều hướng khác nhau để chọn được màu sắc đúng ý người điều khiển. Lúc này, người điều khiển chỉ cần nhìn vào màu mình thích, cánh tay robot sẽ tự động lựa chọn màu đó để tiếp tục vẽ.

Quá trình vẽ tranh bằng ánh mắt nhờ cánh tay robot.

Tương lai của công nghệ tạo hình robot đang phát triển hết sức nhanh chóng. Mới tháng trước, các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm quốc gia Sandia của Mỹ đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng khi chế tạo thành công một thiết bị đặc biệt có khả năng sản sinh ra các neuron nhân tạo nhằm thay thế một phần hoặc toàn bộ hệ thống dây thần kinh trong bộ não con người. Trong khi đó, Ossur - hãng sản xuất các thiết bị chỉnh hình hàng đầu trong lĩnh vực kỹ thuật cơ khí y sinh - cũng đã ghi dấu ấn quan trọng khi phát triển bộ phận đầu gối chạy pin có khả năng tối ưu hóa chuyển động của chân dựa vào dáng đi của người sử dụng.

Tóm lại, thành tựu đáng nể này sẽ không chỉ hỗ trợ hiệu quả nhằm tăng năng suất làm việc cho người bình thường. Ngoài ra, không chỉ gói gọn ở lĩnh vực hội họa, nó còn có thể là cánh tay đắc lực của những người khuyết tật, giúp họ không cần phải vận động hay phụ thuộc vào người khác quá nhiều để hoàn thành những sinh hoạt thường nhật.

Tham khảo BusinessInsider
Nguồn: GenK