Khi doanh thu giảm nhưng lợi nhuận tăng: thách thức và cơ hội cho Microsoft
Trước những khó khăn hiện tại, Microsoft đang có những lá bài nào trong tay?
Đã lâu lắm rồi, Microsoft và cả những người dùng hâm mộ mới được thở phào nhẹ nhõm, khi cổ phiếu công ty có trụ sở tại Redmond đã lần đầu đạt đỉnh sao 15 năm hoạt động. Kể từ sau thời điểm ngày 31 tháng 3 năm 2000, cho tới khi CEO Satya Nadella lên nắm quyền, người ta luôn mong chờ một Microsoft thăng hoa và được chiếu rọi bởi những hào quang của ngày xưa cũ.
Microsoft đã bay cao trong bản báo cáo tài khóa Q1/2016 vừa qua. Công cụ tìm kiếm Bing lần đầu tiên có lợi nhuận, thu về cho Microsoft 1 tỷ USD, mảng kinh doanh điện toán đám mây với doanh thu 5,9 tỷ USD, tổng lợi nhuận đạt 4,6 tỷ USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là những minh chứng hùng hồn nhất cho sự trở lại ngoạn mục của Microsoft trong những quý tài chính tiếp theo.
Đã lâu rồi Microsoft mới có cảm giác được "lên đỉnh"
Thế nhưng, bên cạnh những thành công bước đầu mà gã khổng lồ xứ Redmond đã đạt được. Có một thực tế không thể phủ nhận, CEO Satya Nadella đã sử dụng các sản phẩm và dịch vụ điện toán đám mây, cũng như công cụ tìm kiếm Bing để bù đắp lại sự sụt giảm của mảng Windows. Điều này cho thấy, Windows, Windows Phone hay mảng phần cứng vẫn là góc tối đối với Microsoft.
Vậy đâu là những thách thức và cơ hội mà Microsoft đang sở hữu hiện nay?
Những mảnh ghép còn dang dở
Dù cho Microsoft đang bay cao ở mảng dịch vụ đám mây, hay công cụ tìm kiếm, nhưng ở mảng phần cứng hay Windows, Windows Phone, công ty này vẫn cho thấy những yếu kém, và hạn chế nhất định. Báo cáo Q1/2016 cho thấy, doanh số Windows đối với các nhà sản xuất máy tính đã giảm 6% so với quý trước đó. Riêng mảng Surface doanh thu cũng giảm xuống 672 triệu USD từ 908 triệu USD cùng kỳ năm ngoái.
Riêng với mảng di động, dù đã chi tiền mua lại thương hiệu Nokia. Nhưng từ đó tới nay, thị phần di động mà hãng công nghệ này có được chỉ vẻn vẹn 3%. Nhìn nhận thực tế, mảng di động vẫn luôn là điểm yếu của Microsoft, doanh thu từ di động đã giảm 54% so với năm ngoái, và số lượng các mẫu điện thoại chạy Windows Phone cũng giảm nhiều kể từ lúc mua lại Nokia.
Thị phần Windows Phone hiện nay chỉ vẻn vẹn 3%
Windows Phone và điện thoại Lumia thiếu sức hấp dẫn
Trên trang blog chính thức của Microsoft, công ty này cũng thừa nhận, dù không muốn biện minh cho những thiết sót của mảng di động. Nhưng rào cản lớn nhất mà dòng điện thoại Lumia nói riêng và Windows Phone nói chung đang gặp phải chính là sự thiếu hụt các ứng dụng. Đây không chỉ là vấn đề thiếu sức hấp dẫn, mà nó còn là yếu tố sống còn với một nền tảng như Windows Phone.
"Microsoft luôn cố gắng đem tới cho người dùng những thiết bị di động thông minh và hữu dụng nhất. Cả thế giới đã chứng kiến rất nhiều dòng smartphone Lumia được ra đời. Thế nhưng, việc lần lượt các nhà phát triển lâu năm rời bỏ Windows Phone đã khiến chúng tôi rơi vào tình huống rất khó xử. Chúng tôi vẫn hy vọng Windows 10 Mobile sẽ đem đến nhiều thay đổi hơn trong thời gian tới".
Trong khi đó, các nhà phát triển cũng là một đối tượng ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình kinh doanh của mảng Windows Phone. Câu chuyện về doanh thu của lập trình viên chính là lý do lớn nhất khiến các ứng dụng trên Windows Phone bị ngó lơ. Và nếu không nhanh chóng cải thiện vấn đề này, Lumia 950 và 950 XL dù có thành công cũng khó vực dậy Windows 10 Mobile.
Cơ hội cho Microsoft nằm ở đâu?
Trước những thách thức hiện tại, Microsoft đang có những cơ hội nào trong tay?
Chẳng cần tìm đâu xa, những khó khăn ở thời điểm hiện tại cũng chính là cơ hội cho Microsoft đứng dậy trong tương lai.
Nói riêng về mảng Windows, cụ thể là Windows 10. Con số 110 triệu lượt tải sau gần 3 tháng ra mắt là cơ hội mà Microsoft đang sở hữu. Việc doanh số Windows sụt giảm là hệ quả trước mắt của động thái cho phép người dùng nâng cấp miễn phí lên bản Windows mới nhất. Trong khi đó, định hướng của Microsoft không còn là việc tích góp tiền thu được từ bản quyền Windows 10.
Mà đó chính là 110 triệu cơ hội thu lời từ các dịch vụ tích hợp trên hệ sinh thái này. Còn theo những kỳ vọng của Microsoft, chỉ trong khoảng 2 - 3 năm nữa, số người dùng Windows 10 trên toàn cầu sẽ là 1 tỷ. Điều này đồng nghĩa, không chỉ mảng kinh doanh Windows, mà chính các thiết bị như tablet Surface, các smartphone Lumia sẽ được hưởng lợi với lượng người dùng tăng trưởng.
Đặc biệt, một khi các lập trình viên nhìn ra tiềm năng của Windows 10, việc giải quyết vấn đề thiếu hụt ứng dụng trên Windows 10 sẽ được tiến hành nhanh chóng trong tương lai. Nhất là khi Microsoft đã tung ra các công cụ chuyển đổi ứng dụng từ 2 hệ điều hành iOS và Android rất hữu ích và tiện lợi sang hệ sinh thái Windows của hãng.
Còn với riêng dòng laptop Surface Book, việc doanh thu của dòng Surface sụt giảm không hẳn là một tín hiệu đáng buồn với sản phẩm này. Bởi với chiến lược sử dụng tablet Surface như một bước đệm cho Surface Book, Microsoft đang đứng trước những cơ-hội-trời-cho nhằm thay đổi toàn bộ thị trường PC ảm đạm, cũng như vực dậy góc tối trong mảng kinh doanh phần cứng bấy lâu.
Tóm lại, nếu những nút thắt ở Windows 10, Windows 10 Mobile được Microsoft giải quyết tốt bởi các sản phẩm chiến lược như Surface Book, hay bộ đôi Lumia 950 và Lumia 950 XL sở hữu tính năng Continuum, tự khắc những khó khăn sẽ trở thành cơ hội, để một tương lai không xa người ta sẽ lạc quan khi nghĩa về Microsoft, chứ không phải những bản báo cáo ảm đạm trước đây.
Tổng hợp
Nguồn: GenK