Dava Newman: Từ cô bé đánh giày tới Phó Giám đốc NASA
"Nhà Trắng gọi điện và hỏi tôi có hứng thú với công việc ở NASA không, tôi cứ tưởng chỉ là ai đó đang gọi và trêu đùa", sự nghiệp của Dava đã bắt đầu như thế.
Ngày nay khi nhắc đến NASA, người ta hay nghĩ đến Charles Bolden, người đàn ông da màu đầu tiên trở thành Giám đốc Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ. Ông xuất hiện trong hầu hết các sự kiện lớn của NASA và gần đây người ta nói nhiều về ông trong một cuộc chiến công khai để giữ nguồn tài trợ cho NASA.
Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, một gương mặt mới bắt đầu xuất hiện bên cạnh Bolden. Đó là Tiến sĩ Dava Newman, Phó giám đốc mới của NASA. Bà lần đầu tiên được bổ nhiệm vào vị trí này bởi Tổng thống Barack Obama vào tháng 10 năm 2014. Tháng 4 năm nay, vị trí của bà chính thức được xác nhận.
Newman từng được biết đến qua dự án bộ đồ BioSuit
Newman đã từng được biết đến trong ngành công nghiệp không gian, lĩnh vực bà làm việc là phát triển những thế hệ bộ đồ du hành tiên tiến BioSuit. Bà dành 12 năm để làm việc trong lĩnh vực này. Đồng thời bà cũng là một giáo sư tại MIT, nơi bà từng trải qua 3 cấp độ học trong ngành kỹ thuật hàng không vũ trụ .
Phó giám đốc NASA đã đi một con đường dài để đi tới vị trí này, hãy xem Newman đã bắt đầu như thế nào từ khi còn là một bà bé tuổi mới lớn ở Helena, Motana. Có lẽ bạn sẽ khó có thể tin được, hồi đó bà từng có một thời gian đánh giày trước một cửa tiệm để kiếm tiền. Hãy cùng theo dõi cuộc phỏng vấn Dava Newman thực hiện bởi Sean O'Kane trên trang Theverge.
Sean O'Kane: Có phải công việc đầu tiên của bà khi 15 tuổi là đánh giày trước một cửa hàng?
Dava Newman: Hồi đó tôi thích chơi bóng rổ và cũng có một chút máu kinh doanh. Tôi luôn suy nghĩ làm thế nào để có thể kiếm tiền trong khả năng của mình. Tôi bắt đầu có một công việc làm thuê năm 12 tuổi. Tuy nhiên, câu chuyện đánh giày mới là điểm bắt đầu, nơi tôi làm việc cho chính bản thân mình.
Năm tôi sắp vào trung học, trước đó là một mùa hè, tôi rất muốn tham dự vào đội bóng rổ của trường, vì vậy mỗi sáng tôi đều dậy rất sớm để chơi bóng. Để có tiền tiết kiệm cho những năm học trung học, tôi cần một công việc. Như đã nói tôi đã có một công việc tuy nhiên, như vậy chưa đủ. Tôi muốn tạo ra một công việc kinh doanh của riêng mình, và đó là sự bắt đầu của câu chuyện đánh giày. Tôi trở thành chủ của chính mình và làm việc cho chính mình.
Có một trung tâm mua sắm đi bộ ở Helena, nơi đó tập trung rất nhiều các tòa nhà liên bang và các cửa hàng bán lẻ. Mỗi buổi sáng, tôi đến đó và có thể tiếp cận rất nhiều những doanh nhân đi làm. Buổi trưa, tôi cũng ở lại và bữa trưa là khoảng thời gian có thể kiếm được nhiều tiền nhất từ những đôi giày. Buổi chiều, tôi trở lại với niềm đam mê bóng rổ của mình sau khi đã hoàn thành công việc và kiếm được kha khá.
Đó là một quãng thời gian tuyệt vời. Số tiền tôi tiết kiệm bắt đầu tăng từ từ. Tôi quen thuộc với từng đôi giày ở Helena, Motana. Dường như tôi chẳng còn xấu hổ mỗi khi nói với một ai đó rằng đôi giày của họ cần được đánh bóng. Một người bạn của gia đình tôi sở hữu một nhà hàng. Ông ấy là một người rất tốt, ông bảo tôi có thể biến nơi đó thành trụ sở doanh nghiệp của tôi, nơi mỗi khách đánh giày có thể có một chiếc ghế da thoải mái để ngồi. Và thế là tôi treo một chiếc biển hiệu, phân giá từng loại giày một.
Từ một cô bé đánh giày tới Phó giám đốc NASA
Tại thời điểm đó, bà đã quan tâm đến khoa học và toán học chưa?
Rồi. Có phải tôi thích đến trường không nhỉ? Tôi đoán là tôi thích học hỏi và tìm tòi. Tôi thích toán, khoa học, các môn kỹ thuật, khoa học xã hội, tiếng Anh và viết lách. Tôi thích học chứ không phải chỉ thích đến trường. Thực sự là vậy.
Sau khi rời trường trung học, bà đã đến đâu tiếp theo?
Tôi đã đến Đại học Notre Dame, đó là một nơi hoàn hảo cho tôi bởi vì tôi thích triết học và tiếng Anh. Họ yêu cầu cao những lĩnh vực này. Nhưng rồi tôi lại trở thành một kỹ sư hàng không vũ trụ. Tôi nghĩ đó là một sự cân bằng hoàn hảo.
Nhiều người đã nuôi dưỡng sự đam mê của mình với không gian và ước mơ trở thành một nhà du hành vũ trụ. Tuy nhiên, khoảng cách giữa mơ ước và thực hiện là một bước nhảy lớn. Khi nào bà quyết định mình phải trở thành một kỹ sư hàng không vũ trụ?
Như đã nói, tôi đến Đại học Notre Dame, ở đó tôi bắt đầu học luật. Đó là quyết định ở tuổi 17 của tôi. Lúc đó, tôi không muốn trở thành một kỹ sư hàng không và thậm chí tôi không biết một kỹ sư phải làm gì. Chỉ cho đến khi gần hết năm thứ nhất đại học, tôi quyết định chuyển sang học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Đó là một quyết định thay đổi lớn, tôi phải cố gắng học bắt kịp những khóa học kỹ thuật đã bỏ lỡ.
Từ đó, bà bắt đầu hướng đến việc nghiên cứu tại MIT phải không?
Phải, tôi muốn học tiếp sau tốt nghiệp và nhắm đến Stanford, UT Austin và MIT. Tôi đặc biệt ấn tượng với MIT, rất nhiều sinh viên ham học đến đó, và tôi nghĩ tôi là một người phù hợp. Khoảng thời gian ở MIT quả là tuyệt vời. Tôi hoàn thành cả 3 cấp học của tôi ở đó, thạc sĩ, tiến sĩ và nghiên cứu sau tiến sĩ. Khoảng thời gian ở MIT, tôi bị cuốn hút vào những nghiên cứu tác động của môi trường lên phi hành gia, cụ thể như trên môi trường trọng lực thấp Mặt Trăng hay sao Hỏa.
Như vậy, đó là nơi bà thu thập những nền tảng cho dự án BioSuit?
Đúng thế đấy! Tôi đã làm việc rất nhiều với các bộ đồ không gian. Trước khi chuyển tới NASA, tôi đã bay vào vũ trụ 3 lần. Tuy nhiên, không có một lần nào thực sự thí nghiệm với bộ đồ. Tôi chỉ nghiên cứu những tác động lên cơ thể người phi hành gia, làm việc với những cảm biến là chính. Sau này, trong chương trình hợp tác với Nga NASA - MIR từ năm 1996-1998, lại một lần nữa tôi trở lại trạm vũ trụ với người Nga. Đó là một lần tuyệt vời bởi tôi đã bay một thời gian dài để thực hiện hàng loạt thí nghiệm.
Dava Newman cùng Giám đốc NASA Charles Bolden
Tôi muốn tua nhanh một chút. Bà đã đang đảm nhiệm vị trí giáo sư tại MIT và rồi lại trở thành phó giám đốc của NASA. Điểm khởi đầu của quyết định này là gì, ai đó đã gọi điện cho bà, một email hay một văn bản?
[Cười] Đó là một cuộc điện thoại. Nhà Trắng gọi điện và hỏi tôi có hứng thú với công việc ở NASA không?
Câu trả lời của bà là gì?
Tôi nói rằng có và rất hứng thú. Sau đó, anh biết đấy, tôi cứ tưởng chỉ là ai đó gọi và trêu tôi. Tôi chẳng nghĩ mình có thể được bổ nhiệm cho vị trí này.
Có vẻ vẫn có một chút đùa cợt bởi Quốc hội mới chính là người quyết định. Sẽ là cả một quá trình từ cuộc điện thoại cho đến lúc bà nhận chức chính thức?
Đúng vậy. Tôi đã trải qua rất nhiều cuộc phỏng vấn và nói chuyện cho đến khi ngài Tổng thống đề cử tôi lần đầu tiên vào tháng 10 năm 2014. Lúc đó, Thượng viện đã không chấp nhận. Sau đó, vào tháng 1 năm 2015, một lần nữa tôi lại được đề cử. Lúc đó, tôi đang đi du lịch, Nhà Trắng gọi điện và hỏi “Liệu bà có muốn chúng tôi đề cử một lần nữa không?”. Tôi trả lời “Có”. [Cười].
Sau đó, từ tháng 1, tôi dành rất nhiều thời gian cho các cuộc họp tại Washington cùng với các thành viên trong hội đồng khoa học. Ngày 28 tháng 4, tôi thuyết phục được Thượng viện và họ đã thông qua. Thật tuyệt vời!
Suốt mấy tháng qua chúng tôi đã quen thuộc với những tiêu đề như “Dava Newman đến thăm...”. Tôi thấy bà ở khắp nơi. Một tuần với Phó giám đốc NASA có vẻ thật bận rộn?
Tôi vừa hoàn thành một chuỗi các chuyến tham quan trung tâm của NASA, tất cả đều vô cùng tuyệt vời. Tôi được mọi người chào đón, nói chuyện với những nhân viên. Họ chỉ cho tôi những gì họ đang làm ở mỗi trung tâm, cứ như thể khoe phòng thí nghiệm của họ. Tôi nghĩ phải mất một thời gian dài để biết được tất cả những gì họ làm ở mỗi trung tâm. Tuy vậy, tôi chỉ có một ngày ngắn ngủi ở mỗi một nơi. Tôi lên kế hoạch các chuyến viếng thăm từ cuối tháng 5, đầu tháng 6 và kéo dài suốt tháng 7 tháng 8. Đến giờ tôi mới hoàn thành chúng.
Newman trong chuyến thăm một trung tâm của NASA
Là một phó giám đốc, trong hàng ngũ lãnh đạo, bà là người làm chính sách và quy hoạch. Công việc cụ thể là gì?
Tôi phải có mặt ở NASA, tham gia vào nhóm của Bolden. Rồi thì phải đọc các chiến lược, chính sách, ngân sách và mọi thứ đang diễn ra tại trung tâm. Tầm nhìn chiến lược là thứ quan trọng nhất. Tôi phải thực sự tập trung vào dự án thăm dò sao Hỏa. Tôi phải tìm hiểu xem mỗi cơ quan của NASA, họ có những công nghệ gì mới phục vụ dự án. Bên cạnh đó là các dự án giáo dục và tiệp cận công chúng.
Một điều tôi thấy rất tuyệt vời, thỉnh thoảng chúng tôi lại ăn mừng bởi ở đâu đó trong các trung tâm, các nhà nghiên cứu của NASA lại đạt được một điều gì đó. Tôi đến NASA mỗi ngày và rồi thư kí lại báo rằng hôm nay có gì mới. Anh biết đấy, gần đây là New Horizons và sao Diêm Vương, mỗi ngày tôi lại có một tấm ảnh tốt hơn chụp bởi con tàu thăm dò.
Có phải điều khó khăn nhất mà NASA đang phải đối mặt là sự thiếu nhất quán của Chính phủ. Một mặt họ nói rằng chúng ta phải thúc đẩy các chương trình tên lửa để không phải phụ thuộc vào người Nga, mặt khác họ lại muốn cắt giảm các nguồn tài trợ?
Đúng vậy, các dự án chuyến bay vũ trụ thương lại là ưu tiến hàng đầu của chúng tôi trong lúc này. Chúng tôi rất mong muốn một ngày nào đó chính các công ty Mỹ sẽ đưa các nhà du hành Mỹ lênTrạm vũ trụ quốc tế. Đó là ưu tiên cao nhất.
Cũng phải nói rằng người Nga là một đối tác tuyệt vời trên Trạm vũ trụ quốc tế. Xét về khía cạnh ngoại giao, tôi nghĩ NASA là minh chứng rõ ràng nhất cho sự hợp tác Nga-Mỹ. Mặc dù chúng tôi muốn tập trung vào dự án chuyến bay thương mại, NASA không phải có ý định chấm dứt hợp tác với Nga. Họ là những đối tác tuyệt vời và chúng tôi rất hy vọng sẽ tiếp tục được làm việc với họ trong lĩnh vực không gian.
Theo TheVerge
Nguồn: GenK