Đánh giá Meizu MX5 - "Học trò" cưng của iPhone 6 Plus
Sau Xiaomi có lẽ Meizu là cái tên đáng chú ý nếu các bạn không có thành kiến với điện thoại Trung Quốc
Thị trường smartphone 2015 đã có dấu hiệu chuyển dịch về thị trường Trung Quốc mà trong số đó nổi lên là những cái tên lớn như Xiaomi, Meizu, One Plus v.v...
Nếu như cách đây vài năm, Meizu không phải là đối thủ của những thương hiệu đài loan như HTC, Asus thì giờ đây hãng này đã chiếm lại vị thế của mình bằng chiến lược học hỏi của đồng hương Xiaomi, lấy chất lượng làm gốc và tự tối ưu một bản ROM dành riêng cho những chiếc điện thoại mà mình sản xuất.
Nếu Xiaomi làm lay động cả thế giới với MIUI thì Meizu cũng khiến các đại gia khác phải dè chừng với FlymeOS.
Không chạy đua cấu hình quá mãnh liệt mà thay vào đó tối ưu hệ điều hành với những sản phẩm có cấu hình khá đó là điều mà Apple đã dạy cho cả thế giới công nghệ. Meizu cũng biết được điều đó và chiếc điện thoại mới nhất Meizu MX5 của hãng này không phải là chiếc điện thoại có cấu hình quá khủng nhưng nó chạy trên hệ điều hành FlymeOS lại rất mượt mà mát mẻ.
Cấu hình Meizu MX5:
- Màn hình 5,5 AMOLED (inch 1920 x 1080 ~401 ppi).
- Chipset: Mediatek MT6795 (lõi 8) 2,2 GHz kiến trúc Cortex A53.
- GPU: PowerVR G6200 MP4.
- SIM: 2 SIM nano.
- Bộ nhớ trong: RAM: 3GB, ROM: 16/32/64 GB
- Camera chính: 20,7 Mpx có hỗ trợ lấy nét laser và Flash 2 màu.
- Camera phụ: 5Mpx.
- Pin: 3150 mAh.
Thiết kế mang tính kế thừa
Về thiết kế, Meizu MX5 hay nhiều hãng điện thoại khác đến từ Trung Quốc đều lấy iPhone để làm kim chỉ nam trong thiết kế sản phẩm, đó cũng là lý do mà Meizu MX5 có thiết kế hơi giống với iPhone 6 Plus với khung máy nhôm nguyên khối được vuốt tròn từ mặt lưng lên tới màn hình.
Phím bấm không nổi bật nhưng bố trí hợp lý.
Phần đáy của Meizu MX5 không có gì phải bàn bởi nó gần như bê nguyên từ iPhone xuống với những lỗ loa lớn và bố trí bất đối xứng như hình.
Cách bố trí loa ngoài và mic giống iPhone 6.
Sở dĩ chúng tôi gọi thiết kế của MX5 mang tính kế thừa nhiều hơn là copy bởi có 1 số điểm mà hãng này cho rằng thiết kế của iPhone không hợp lý nên đã cải tiến để sản phẩm hoàn thiện hơn, một ví dụ nhỏ đó là vạch ăng ten để bắt sóng không còn là những vạch nhựa rườm rà ăn hết 2 đầu máy như iPhone, giờ đây những vạch này sẽ chỉ còn là những chấm đen nho nhỏ nằm rải rác quanh viền nhôm được "cắt kim cương".
2 trong số 5 vạch ăng ten trên Meizu MX5 chỉ còn nhỏ xíu như 1 chấm đen.
Không đồng ý với thiết kế Camera quá đỗi vô lý của iPhone 6 plus, hãng này đã kéo cụm Cam về chính giữa và phóng to nó lên để làm nổi bật modul này hạn chế khoảng trống phần nửa trên máy tuy vẫn còn hơi lồi nhưng rõ ràng nó hợp lý hơn hẳn iPhone.
Đặc biệt, cụm phím ảo trợ năng quen thuộc trên các máy Android đã được thay thế bởi một phím cứng đa năng ở chính giữa với tính năng gần giống hệt phím cứng của iPhone. Khi nhấn phím nút này sẽ có chức năng là nút Home, khi chạm vào phím (không bấm) nút này sẽ có chức năng như nút cảm ứng Back. Phím Option đã bị loại bỏ.
Chỉ còn duy nhất 1 phím bấm kiêm luôn cảm ứng.
Điều này mặc dù mang lại cho người dùng trải nghiệm tương đối tốt nhưng nó lại là điểm trừ với những người quen dùng Android và các bạn sẽ phải mất một lúc để làm quen với những thao tác không còn phím option.
Một số hình ảnh khác của Meizu MX5:
Hiệu năng không quá cao
Khác với những smartphone có tiếng khác, Meizu không lựa chọn SoC của Qualcomm mà lại sử dụng của Mediatek MT6795 8 nhân tương đối mới mẻ, chính vì vậy hiệu năng là điều rất cần phải bàn tới.
Ở bài thử nghiệm phổ biến nhất trên các smartphone Android là Antutu Benchmark, Meizu MX5 đạt số điểm khoảng hơn 48 nghìn đứng trên 1 số cái tên khá có tiếng như HTC One M8 hay Xiaomi Mi4 cùng sử dụng chip Qualcomm Snapdragon 801 rất thịnh hành.
48 nghìn điểm không phải con số quá lớn nhưng nó đủ đáp ứng tất cả các ứng dụng Android đang có trên thị trường.
Đây có lẽ là bước đi tương đối thông minh của Meizu khi họ đã không chơi với Qualcomm sau hàng loạt sự cố về nóng máy mà Snapdragon 810 mang lại cho các siêu phẩm 2015.
Và việc dừng lại ở sức mạnh tầm trung tương đương Snapdragon 801 có lẽ là quá đủ để "cân" hết tất cả các ứng dụng đòi hỏi cấu hình cao đang có trên Google Play.
Sơ bộ về Camera
Camera là điều mà bất cứ ai sử dụng smartphone cũng quan tâm bởi đây là tác vụ sử dụng gần như nhiều nhất trên smartphone.
Giao diện dễ hiểu của ứng dụng chụp ảnh.
Meizu không coi nhẹ phần này và đó là lý do hãng này đưa lên MX5 cảm biến cỡ lớn lên tới 20,7 Mpx thay vì cỡ 13 Mpx phổ thông, đồng thời hàng loạt cảm biến phụ trợ như Flash 2 màu hay modul lấy nét bằng laser tối tân là những vũ khí bổ trợ cho Camera của MX5 giúp sản phẩm này không tụt hậu về công nghệ.
Ứng dụng Camera hỗ trợ tính năng chụp ảnh Manual cho phép điều chỉnh tốc độ màn trập cho khả năng phơi sáng lên tới 20 giây.
Cảm biến hình ảnh trên MX5 có lẽ cũng không phải hạng xoàng bởi chất lượng ảnh (đặc biệt là chụp tối) không quá yếu đuối như một số smartphone đang có trên thị trường, các bạn có thể xem qua những ảnh mẫu bên dưới để có nhận định riêng. Chúng tôi sẽ tiến hành 1 bài so sánh riêng về Camera của MX5 trong thời gian tới.
Một số ảnh chụp từ MX5 (click vào hình để xem cỡ lớn hơn):
FlymeOS tạo nên sự khác biệt
Chưa nhắc tới sự tối ưu trong quản lý tài nguyên của FlymeOS, trước tiên hãy nhắc tới giao diện và trải nghiệm người dùng trên hệ điều hành này.
Không giống như MIUI của xiaomi cố gắng làm những logo nhỏ gọn đẹp mắt tinh tế, Meizu lại hướng tới icon to đẹp và phân loại rõ ràng bằng hình ảnh mang tính tượng trưng cao, chính vì vậy khi nhìn vào Settings của FlymeOS các bạn sẽ dễ dàng tìm thấy thứ mà mình mong muốn hơn mặc dù chỉ mới lần đầu trải nghiệm. Để hiểu rõ những khó chịu khi phải đi tìm một thiết lập đơn giản nào đó trong settings các bạn nên thử qua Windows Phone 8.1 thì sẽ biết việc tối ưu trải nghiệm người dùng trên FlymeOS hấp dẫn ra làm sao.
Màn hình settings được phân loại rõ ràng và dễ hiểu với các icon có tính tượng trưng cao.
Nói về cảm biến vân tay trên MX5, rõ ràng là công nghệ cảm biến vân tay tốt nhất từ lâu đã không còn là của iPhone, bằng chứng là những sản phẩm ra mắt gần đây như Galaxy S6 cũng đã vượt mặt iPhone trong khoản này và bây giờ là Meizu MX5.
Khi thiết lập vân tay cá nhân, thay vì chỉ cần chạm 4-5 lần như các hệ điều hành khác, Meizu lại bắt người dùng chạm và di chuyển tay dần dần để cảm biến ghi lại được toàn bộ vân trên ngón tay giúp máy nhận được vân tay dù chạm ở trạng thái nào đi chăng nữa. Sơ sơ quá trình đăng kí vân tay có thể lên tới 20 lần chạm không tính những lần chạm trùng.
Về hiệu năng, sau khi khởi động, FlymeOS chiếm khoảng 1,2GB RAM trên tổng số 3GB mà máy đang có, con số này cho thấy Flyme không phải thuộc hạng nhẹ nhưng cũng không quá tốn kém tài nguyên như MIUI.
Bên cạnh các ưu thế về phần mềm, Meizu MX5 cũng có tồn tại một số hạt sạn nho nhỏ do vấn đề chung của các Smartphone Trung Quốc.
- Đầu tiên là về kho ứng dụng, mặc định hầu hết các điện thoại nội địa Trung Quốc đều không được tích hợp sẵn những ứng dụng dịch vụ của Google mà trong số đó có cả Google Play. Điều này bắt buộc người dùng phải Root máy để có thể trải nghiệm tốt nhất sản phẩm của mình.
Rất may, FlymeOS không phải là 1 hệ điều hành đóng nên người dùng có thể Root máy nhanh gọn sau khi đăng ký 1 Flyme ID và chấp thuận rủi ro khi đẩy quyền sử dụng máy lên cao nhất là máy sẽ tự mở Root sau đó người dùng sẽ thoải mái can thiệp vào file hệ thống mà không bị cản trở gì.
- Vấn đề thứ 2 đó là về mạng, vì bản MX5 không có phiên bản quốc tế nên tất cả máy MX5 đang có trên thị trường là máy nội địa và vì vậy việc không phù hợp sóng với Việt Nam sẽ khiến máy không kết nối được 3G (chỉ dừng lại ở 2G). Vấn đề này sẽ được khắc phục bằng cách Flash lại ROM FlymeOS đã chỉnh sửa mạng để có thể sử dụng được 3G tại Việt Nam. Tất nhiên tất cả những việc này các bạn sẽ được hỗ trợ đầy đủ khi mua máy.
Pin không đáng ngại
Hiện nay hầu hết các smartphone có kích cỡ màn hình lớn đều thuộc dạng "trâu bò" bởi khung máy khá rộng rãi nên lượng pin được đặt bên trong cũng vì thế mà lớn hơn nhiều, chính vì vậy mà với mức tiêu thụ khá thấp của chip Mediatek cùng với dung lượng pin hơn 3000 mAh khiến cho MX5 hoạt động tương đối dư dả. Thật khó có thể kết luận là các bạn có thể dùng máy trong mấy ngày bởi kiểu sử dụng điện thoại của mỗi người là khác nhau. Nhưng ít nhất theo đánh giá cá nhân của người viết thì Pin của Meizu MX5 không yếu hơn điện thoại Samsung dòng Note.
Kết luận
Năm 2015 đánh dấu sự xuống dốc của hàng loạt các thương hiệu Smartphone từng gây sóng gió 1 thời mà điển hình nhất có thể kể tới là HTC và Sony, 2 trong số nhiều thương hiệu thuộc diện "nguy kịch" do không còn sự sáng tạo cũng như bảo thủ về thiết kế. Thay vào đó thị trường smartphone tại một số quốc gia lớn như Trung Quốc lại liên tục phát triển mạnh mẽ và nổi lên những thương hiệu gây sốt thế giới với mức giá mà chúng ta có thể gọi vụ là "không tính tiền thương hiệu".
Có lẽ Tim Cook đã không sai khi chấp nhận nhiều điều tiếng vì ưu ái thị trường tỉ dân này và qua đó đẩy doanh số iPhone lên tới con số kỷ lục hồi đầu năm.
Tính đến thời điểm này, rào cản duy nhất để các hãng smartphone Trung Quốc bùng cháy có lẽ chỉ còn là rào cản ngôn ngữ mà thôi.
Nguồn: GenK