Câu chuyện kể đằng sau những thiết kế ấn tượng
Tại những trung tâm thiết kế của Samsung trên khắp thế giới, từ Hàn Quốc, Mỹ đến Ý, Ấn Độ, Trung Quốc, các nhà thiết kế của Samsung đang định nghĩa lại mục tiêu cho thiết kế sản phẩm.
Cuối tháng 8 vừa qua, Samsung Galaxy Note 5 được đón nhận nồng nhiệt tại Việt Nam với thiết kế cong ngược lại với S6 Edge, tiếp tục khẳng định tham vọng của “gã khổng lồ” Samsung về một cuộc cách mạng trong thiết kế. Đó là một trong rất nhiều kết quả của triết lý “Meaningful Design” – Thiết kế ý nghĩa – mà Samsung đang áp dụng cho tất cả các dòng sản phẩm của mình.
Không chỉ là thiết kế đẹp
Đã qua rồi thời người dùng chỉ quan tâm đến cấu hình mạnh của thiết bị. Thiết kế sản phẩm đang ngày càng được thế giới quan tâm hơn bao giờ hết, và trở thành môt yếu tố quan trọng không kém, nếu không nói là hơn, yếu tố công nghệ. Trả lời cho những yêu cầu mới này, Samsung đặt một đề bài hóc búa cho những nhà thiết kế công nghệ: Meaningful Design (tạm dịch: Thiết kế ý nghĩa).
Tại những trung tâm thiết kế của Samsung trên khắp thế giới, từ Hàn Quốc, Mỹ đến Ý, Ấn Độ, Trung Quốc, các nhà thiết kế của Samsung đang định nghĩa lại mục tiêu cho thiết kế sản phẩm. Thiết kế không phải chỉ đẹp, mà phải trở thành một phần ý nghĩa trong cuộc sống của người dùng, bằng những tính năng thực tiễn và đáng tin cậy, trả lời những nhu cầu của họ.
Sự đầu tư chiều sâu vào thiết kế của Samsung đã cho ra những quả ngọt đầu mùa, là một loạt những giải thưởng về thiết kế, kể cả giải thưởng như “Công ty có nhiều giải thưởng nhất” tại cuộc thi thiết kế quốc tế IDEA (International Design Excellence Awards) 2015. Samsung thắng tổng cộng 8 giải (1 vàng, 3 bạc, 4 đồng) và có 30 sản phẩm lọt vào vòng chung kết, với bộ sưu tập đa dạng từ TV, tủ lạnh đến máy in, thiết kế website… Những giải thưởng tại IDEA đã khẳng định lại mục tiêu của Samsung là mang đến những giá trị và trải nghiệm bền vững cho người dùng. Ông Boo-Keun Yoon, CEO và Chủ tịch Trung tâm Thiết kế Công nghiệp của Samsung Electronics cho biết, “Samsung sẽ tiếp tục nỗ lực mang đến những sản phẩm sáng tạo giúp cuộc sống tốt đẹp hơn, bằng cách quan tâm đến người dùng và lấy cảm hứng từ họ”.
Các nhà thiết kế của Samsung nói gì?
Khi đặt ra mục tiêu “Meaningful Design”, Samsung không giới hạn sự sáng tạo của các nhà thiết kế của mình, mà đặt ra câu hỏi để họ tìm ra những cảm hứng mới. Khi được hỏi thế nào là “Meaningful Design”, Wesley Yun, Giám đốc Sáng tạo tại Trung tâm Thiết kế của Samsung ở Mỹ, cho biết tìm được nhiều sự tương đồng với chính quan điểm thiết kế của bản thân. “Meaningful Design – Thiết kế ý nghĩa – theo tôi, là tìm và chuyển tải một mục đích cao hơn. Bản thân tôi luôn tin rằng, quyền tiếp cận thông tin và công nghệ đã trở thành một trong những quyền cơ bản của con người, cơ bản như bạn uống nước mỗi ngày vậy. Vì thế, một thiết kế có ý nghĩa khi bạn đưa ra được ý nghĩa đó thông qua thiết kế và chuyển tải nó đến mọi người”.
Adam Roberts, Quản lý Cao cấp tại Trung tâm Thiết kế Đồ hoạ & Nghiên cứu tại Samsung Châu Âu có một suy nghĩ rất thực tế về “Meaningful Design”. Ông nghĩ rằng, một thiết kế ý nghĩa phải “khiến mỗi ngày trở nên đặc biệt. Không phải chỉ là một tiếng ‘wow’ trước một thiết kế mới ban đầu, thiết kế ý nghĩa phải quan tâm đến những điều thật sự diễn ra trong đời sống một người dùng thông thường, nhu cầu của họ. Một thiết kế ý nghĩa phải hỗ trợ cho nhu cầu của người dùng, chứ không phải lấn át họ”.
Nhà thiết kế âm thanh Joongsam Youn từ Trung tâm Thiết kế của Samsung tại Hàn Quốc lại có một định nghĩa đậm chất châu Á cho “Meaningful Design”. Qua lăng kính của anh, một thiết kế ý nghĩa phải mang tính hài hoà và do chính người dùng cảm nhận bằng trái tim. Xin mượn lời anh để kết lại bài viết về một thiết kế ý nghĩa: “Âm thanh ý nghĩa nhất khi đạt được sự hài hoà của chính thiết bị và môi trường xung quanh. Khi đạt được điều đó, ban đầu người ta chưa nhận biết được, nhưng dần dà họ sẽ cảm nhận được sự ấm áp từ trong tâm khảm, từ trong tiềm thức của mình. Chúng tôi nghĩ rằng, một thiết kế ý nghĩa sẽ đạt được mục tiêu khi điều đó được cảm nhận bởi chính người dùng”.
Nguồn: GenK