Khoa học chứng minh tập thể dục thường xuyên sẽ làm chậm quá trình phát triển của bệnh ung thư

Để kiểm chứng vấn đề này, các nhà khoa học đã thử nghiệm trên những con chuột có sẵn khối u của những bệnh ung thư liên quan đến da, phổi và gan.

Khoa học chứng minh tập thể dục thường xuyên sẽ làm chậm quá trình phát triển của bệnh ung thư

Các nhà khoa học tại đại học Copenhagen (Đan Mạch) cho biết họ đã phát hiện ra tác động làm chậm quá trình phát triển khối u của adrenaline. Cụ thể, nồng độ của loại hormone này tăng lên sẽ kích thích hệ miễn dịch sản xuất ra nhiều tế bào chống ung thư tự nhiên hơn và đưa chung vào mạch máu đi khắp cơ thể. Và hành động để tiết ra nhiều ardenaline nhất chính là tập thể dục một cách thường xuyên nhất có thể.

 

 

Đội ngũ nghiên cứu cũng xác định được loại tế bào chống ung thư tự nhiên mà hệ miễn dịch có thể sản sinh ra có tên interleukin-6, điều thú vị là trong quá trình hoạt động thể chất thì cơ thể cũng tạo ra chúng bên cạnh việc tiết ra adrenaline. Để kiểm chứng vấn đề này, các nhà khoa học đã thử nghiệm trên những con chuột có sẵn khối u của những bệnh ung thư liên quan đến da, phổi và gan.

Họ ép những "anh chàng" này phải tập chạy liên tục khoảng 4 đến 7 km mỗi tối và kết quả là tốc độ phát triển của các khối u chậm lại đến 60% so với những con chuột khác sau vài tuần. Mặc dù vậy, đội ngũ nghiên cứu cũng khẳng định interleukin-6 chỉ có thể làm chậm quá trình phát triển của khối u không có nghĩa là nó làm nhỏ kích thước của chúng nhưng họ rất tự tin rằng nghiên cứu này sẽ giúp giới khoa học nhìn sâu hơn vào quá trình phát triển của bệnh ung thư để đưa ra các pháp đồ điều trị mới thích hợp hơn nữa.

Tác giả của dự án này, nghiên cứu sinh sau tiến sỹ Pernille Hojman, cho biết: "Đây là lần đầu tiên chúng ta có thể nghĩ tới việc điều tiết trực tiếp tốc độ phát triển của một khối u. Trước đó, chúng tôi đã biết rằng việc tập thể dục có thể khiến cơ thể tạo ra những tế bào phòng vệ tự nhiên nhưng đến tận nghiên cứu này tôi cùng các đồng nghiệp mới tìm hiểu được cơ chế làm thế nào để hướng chúng tới những khối u". Ngay sau khi kết quả này được công bố, tiến sỹ Lee Jones thuộc trung tâm nghiên cứu ung thư Memorial Sloan Kettering (New York) đã gửi lời chúc mừng tới những đồng nghiệp ở bên kia Đại Tây Dương: "Đây thực sự là một mảnh ghép còn thiếu của câu hỏi lớn về bệnh ung thư, xin chúc mừng đại học Copenhagen".

 

 

Ngoài ra, nhóm của Pernille Hojman cũng phát hiện rằng việc tiêm thêm adrenaline vào cơ thể cũng có tác dụng tương tự. Bản thân cô cũng nói rằng với tư cách là một người nghiên cứu sự liên quan giữa thể dục và bệnh ung thư, cô luôn nhận được những thắc mắc của các bệnh nhân về vấn đề họ nên tập luyện như thế nào để phù hợp với căn bệnh mình đang mắc phải. Kết quả nghiên cứu mới này sẽ giải đáp tất cả những thắc mắc trên của họ.

Hiện tại, nhóm của Hojman đã tiến hành tìm hiểu sâu hơn về tác động về lâu dài của việc tập luyện thể dục đều đặn đối với quá trình điều trị ung thư ở người. Bên cạnh đó, Pernille Hojman cũng nói rằng: "Dĩ nhiên, chúng ta không nên chỉ bắt đầu nghĩ tới việc tập thể dục khi được chẩn đoán là bị ung thư. Hãy tập từ ngay bây giờ để hạn chế những khả năng phát triển từ trong trứng nước của căn bệnh này".

Tham khảo ScienceAlert
Nguồn: GenK

 
 

Tin mới hơn

Tin cũ hơn