Chuyện bây giờ mới kể về Surface Book !

Nếu bạn tò mò về Surface Book, hãy cùng chúng tôi khám phá câu chuyện này!

Chuyện bây giờ mới kể về Surface Book !

Tính cho tới thời điểm hiện tại, những thông tin như lễ ra mắt, thông số, cấu hình, thiết kế, tính năng về chiếc laptop 2-trong-1 của Surface Book đã là những điều quá quen thuộc với người dùng. Thế nhưng, câu chuyện về sự ra đời, cũng như ý tưởng đằng sau sự thành công của Surface Book vẫn là một ẩn số rất lớn với giới công nghệ nói chung.

Tất nhiên, nếu bạn tò mò về Surface Book, hãy cùng chúng tôi khám phá câu chuyện này!

Hồi 1: Ý tưởng Surface Book đã ra đời như thế nào?

 

 

Chuyện kể rằng, vào một đêm định mệnh cách đây khoảng 2 năm, ông Panos Panay, người đứng đầu mảng phần cứng của Microsoft đã trằn trọc về ý tưởng tạo ra một chiếc Surface thế hệ mới kế nhiệm những chiếc tablet khi đó. Ông quyết định thức dậy vào giữa đêm, vớ lấy chiếc bút Surface Pen và tablet Surface Mini (Surface Mini được Panos Panay khẳng định là có thật) đặt lên một chiếc gối rồi bắt đầu ngẫm nghĩ.

Bỗng nhiên, một ý tưởng lóe lên trong đầu ông, khiến vị chiến lược gia phải thốt lên: "Thật tuyệt vời". Khi đó, ông nghĩ rằng, tại sao bao lâu nay ông chưa hề tính tới việc tạo ra một sản phẩm 2-trong-1 có thể biến hình linh hoạt: khi ở hình dạng này, khi lại ở hình dạng khác. Nói là làm, ngay hôm sau, Panos Pany đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp về ý tưởng Surface Book ngày nay.

Tuy nhiên, những hình dung ban đầu của ông về Surface Book còn quá sơ khai. Khi đó, ông và các cộng sự của mình chỉ mường tượng ra rằng, đây sẽ là một chiếc tablet hoặc máy tính mỏng nhẹ, sẽ không quá nhàm chán như các laptop hiện hành, nhưng lại không được đơn điệu như dòng tablet Surface trước đó. Vậy làm sao để kết hợp cả 2 yếu tố: tablet và laptop trong cùng một sản phẩm?

Tất nhiên, phải khẳng định ở đây, một chiến lược gia lỗi lạc như Panos Panay cũng có lúc rơi vào tình trạng bí ý tưởng. Cuối cùng, sau một khoảng thời gian dài cất nhắc, ông quyết định bắt tay vào việc phát triển một chiếc laptop 2-trong-1, lai giữa laptop và tablet, với mục tiêu định hướng lại các dòng laptop hiện hành. Bởi ông cho rằng, danh mục sản phẩm phần cứng của Microsoft chưa bao giờ có một chiếc laptop.

Hồi 2: Bài học đắt giá từ Apple

Với tư cách là cha đẻ của Surface Book, nhưng Panos Panay chưa bao giờ từng phủ nhận, chính ông đã học hỏi được rất nhiều từ các kỹ sư của Apple. Chia sẻ với trang Wired, vị chiến lược gia cho biết, đức tính cẩn thận, tỉ mỉ với từng chi tiết trên MacBook mà ông thấy được ở đội ngũ nhân sự Apple đã thôi thúc ông tạo ra laptop Surface Book hoàn thiện như ngày nay.

 

 

Nhìn vào chiếc MacBook của Apple, Panos Panay đã đặt ra 3 câu hỏi cho bản thân:

Khi nào?

Trên thực tế, ý tưởng về một chiếc laptop chạy Windows do Microsoft sản xuất đã được Panos Panay nghĩ tới từ năm 2012. Khi đó, rất nhiều người đã hỏi ông rằng, tại sao Microsoft là người tạo ra hệ điều hành Windows, nhưng lại không tạo ra một chiếc máy tính cho riêng mình, mà lại đem nền tảng này bán cho các nhà sản xuất khác?

Kết hợp với những ý tưởng vừa xuất hiện trong đầu, Panos Panay đã nhận ra rằng, đây thực sự là một thiếu sót khi Microsoft không tận dụng tối đa những lợi thế đang có, qua đó, kết hợp chặt chẽ giữa phần mềm và phần cứng, tương tự những gì Apple đã áp dụng thành công. Tuy nhiên, ông tự nhủ rằng, ít nhất chiếc máy tính này sẽ không ra mắt ngay trong năm sau, mà ông cần nhiều thời gian hơn thế, 2 năm chẳng hạn.

Ở đâu?

Khi đó, Panos Panay đã bị phân tâm giữa 2 luồng ý tưởng, tạo ra một chiếc laptop bình dân hay cao cấp? Bởi nếu tung ra một sản phẩm cấp thấp, Microsoft sẽ khó lòng đem tới sự ấn tượng cho người dùng. Thế nhưng, với một sản phẩm cao cấp, giá bán sẽ là rào cản rất lớn. Những thế hệ Surface trước đó đã đều phải đồng loạt giảm giá do mức niêm yết quá cao.

Tuy nhiên, cuối cùng, Panos Panay nghĩ rằng, chiếc máy tính đầu tay của ông sẽ nằm ở phân khúc cao cấp, với mức giá đắt đỏ, tương tự như cách mà Apple đã thành công với dòng MacBook. Bởi nếu chỉ chạy theo doanh số, Surface Book thậm chí sẽ còn xếp sau các máy tính của Dell, HP... Và hơn hết, chỉ có những sản phẩm cao cấp mới đem về lợi nhuận lớn cho Microsoft, nếu thành công.

Tại sao?

Ngay sau khi đã định hình được thời điểm phát hành, cũng như phân khúc thị trường, Panos Panay đã bắt tay ngay vào việc tham khảo ý kiến người dùng. Hàng loạt các chuyên gia, tình nguyện viên đã xuống phố, bủa vây lấy các khách hàng tiềm năng. Đội ngũ của ông đã đặt cho người dùng một câu hỏi chung: "Bạn thực sự cần gì ở một chiếc máy tính xách tay?"

Câu trả lời mà ông và các cộng sự của mình nhận được là: một thiết bị thực sự nhẹ, một thiết bị linh hoạt hơn, một thiết bị có thể thay thế cả laptop và tablet, một thiết bị tương tự MacBook nhưng chạy thuần Windows. Và đó chính là những yếu tố cốt lõi được Panos Panay ghi nhận để cho ra chiếc Surface Book toàn năng như thời điểm hiện tại.

Hồi 3: Thiết kế Surface Book hình thành ra sao?

Trước khi Surface Book có được kiểu dáng như hiện tại, Panos Panay cho biết, ông và các cộng sự của mình đã trải qua ít nhất 3 giai đoạn quan trọng.

 

 

Gian đoạn 1: Ý tưởng về cuốn sách

Trong giai đoạn đầu tiên, Ralf Groene và Kait Schoeck là 2 nhân sự chịu trách nhiệm chính về thiết kế Surface Book. Ý tưởng đầu tiên của họ là tạo ra một chiếc máy tính có khả năng gấp / mở màn hình linh hoạt như một cuốn sách. Họ nhận thấy rằng, phần gáy sách (bản lề) là bộ phận quan trọng nhất với chiếc máy tính này. Thế nhưng, nếu chỉ đơn thuần là một cuốn sách, thiết kế của Surface Book sẽ rất nhàm chán.

Giai đoạn 2: Một sản phẩm 2-trong-1

Đúng như những tiêu chí ban đầu được Panos Panay đặt ra, ông luôn muốn một thiết bị có sự kết hợp linh hoạt giữa laptop và tablet. Do đó, ông cho rằng, chiếc máy tính này cần được tháo rời màn hình, thay vì gắn liền với phần bàn phím như trước đây. Điều này sẽ cho phép Surface Book vừa hoạt động như tablet Surface, nhưng vẫn giữa được hình dạng một chiếc laptop.

Giai đoạn 3: Phần gáy sách

Đây chính là giai đoạn khó khăn nhất đối với đội ngũ thiết kế Surface Book. Họ đã liên tục đưa ra rất nhiều ý tưởng cho chiếc bản lề này. Ban đầu, họ sử dụng hình dáng của phần gáy các tập kẹp tài liệu rất linh hoạt, sau đó họ nghĩ tới một chiếc dập ghim có khả năng đàn hồi cao. Kết hợp 2 yếu tố này, phần bản lề trên Surface Book đã được ra đời: linh hoạt, và sử dụng các yếu tố cơ học.

Tuy nhiên, trên thực tế, để hình thành nên một chiếc laptop Surface Book như ngày nay, Panos Panay vẫn cần tới rất nhiều yếu tố khác.

Hồi 4: Những mảnh ghép cuối cùng của một siêu phẩm

Sau khi đội ngũ của Microsoft đã bước đầu hoàn thiện được những nguyên mẫu của Surface Book, sản phẩm này bắt đầu nảy sinh rất nhiều vấn đề: phần bản lề sẽ hoạt động ra sao, làm thế nào để tháo rời Surface Book, cách bố trí viên pin như thế nào, làm sao để chuyển tiếp thông tin giữa phần màn hình và dock bàn phím đã được tháo rời?

Trả lời cho 4 câu hỏi này, Panos Panay cho biết:

Cách hoạt động của phần bản lề?

 

 

Như đã đề cập ở trên, Panos Panay luôn muốn kết hợp: khả năng đóng / mở linh hoạt, cùng các yếu tố cơ học trong phần bản lề của Surface Book. Giải quyết cho vấn đề này, đội ngũ của Microsoft đã dùng rất nhiều đốt cơ học từ hợp kim Nitinol. Khi được cuộn lại, chúng sẽ được xếp liên tiếp vào nhau, nhưng khi được mở ra, đốt cơ học này sẽ trở thành điểm tựa cho đốt cơ học tiếp theo.

Làm thế nào để tháo rời Surface Book?

 

 

Ngay từ ban đầu, Panos Panay đã xác định, việc tháo rời phần màn hình và bàn phím cần phải diễn ra nhanh chóng, nhưng phải thực sự chắc chắn. Bởi bất kì sai sót nào cũng khiến Surface Book gặp phải sự cố không đáng có. Chính vì vậy, Microsoft đã tạo ra một nút nhấn cơ học trên phần bàn phím và một bộ phận có tên gọi Muscle wire locks (tạm dịch là dây khóa cơ) nằm trên phần màn hình.

Khi người dùng nhấn vào nút này, bàn phím sẽ gửi tín hiệu tới màn hình, chuyển tới ổ khóa cơ, và ngay lập tức, màn hình của Surface Book sẽ được tách ra khỏi phần Dock. Đối với các phiên bản Surface Book thông thường, quá trình này sẽ diễn ra ngay lập tức. Trong khi đó, với các phiên bản Surface Book có GPU Nvidia GeForce, việc tách màn hinh sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Cách bố trí viên pin ra sao?

Nhằm đáp ứng yếu tố mỏng nhẹ trên Surface Book, đồng thời giảm trọng lượng của phần màn hình khi được tháo rời. Microsoft đã chia nguồn pin trên máy thành 2 phần tách rời: một nằm trên màn hình, một nằm ở phần bàn phím. Với tổng thời gian hoạt động ở chế độ laptop là 12 tiếng đồng hồ, Surface Book cũng cung cấp cho người dùng 4 tiếng ở chế độ tablet, và bàn phím cung cấp thêm 8 tiếng hoạt động nữa.

Làm sao để chuyển tiếp thông tin giữa phần màn hình và dock bàn phím đã được tháo rời?

Trong khi các yếu tố ở trên đã được giải quyết, Microsoft lại vấp phải một vấn đề nan giải: Surface Book không sử dụng dây cáp màn hình như các laptop đương thời. Điều này đồng nghĩa, họ cần tạo ra một cổng giao tiếp thực sự linh hoạt kết nối giữa phần màn hình và phần bàn phím. Đặc biệt, cổng giao tiếp này còn phải đảm bảo cho Surface Book khả năng gấp ngược lại như trong màn ra mắt.

Dù không thực sự tiết lộ công nghệ đã được sử dụng trên Surface Book, nhưng ông Panos Panay cho biết, thực chất Microsoft đã sử dụng lại chuẩn giao tiếp 2 đầu trên Surface Pro 3, nhưng được cải tiến thêm tốc độ kết nối. Do đó, ngoài khả năng gắn liền với phần bàn phím, cổng giao tiếp này còn được sử dụng như một cổng sạc cho phần màn hình Surface Book.

Sẽ không có hồi kết

 

 

Trên đây là những bí mật về Surface Book đã được ông Panos Panay, người đứng đầu mảng phần cứng của Microsoft chia sẻ với trang Wired, nhằm giải đáp phần nào những thắc mắc bấy lâu của người dùng. Tất nhiên, sẽ còn rất nhiều những bí mật khác nữa về Surface Book chưa được bật mí mà chúng ta sẽ cần phải tự khám phá cho riêng mình.

Do đó, đây chắc không phải là hồi kết cho Surface Book. Bởi đơn giản một lẽ, chúng ta đều đang rất kì vọng vào sản phẩm này, một chiếc laptop 2-trong-1 mà bất kì người dùng Windows nào cũng đều khao khát!

Tham khảo: Wired
Nguồn: GenK

 
 

Tin mới hơn

Tin cũ hơn